Print

Nhiều người nói cà phê Thu Hà như là sự hiện hữu của hồn Pleiku - Gia Lai. Đây cũng là cảm nhận chung của khách thập phương khi có dịp đặt chân đến vùng đất cao nguyên này và nhâm nhi một tách cà phê Thu Hà chính hiệu. Thành công của thương hiệu Cà phê Thu Hà là một điển hình cho ý thức trọng nông kết thương của người dân nơi đây...

Nhiều người nói cà phê Thu Hà như là sự hiện hữu của hồn Pleiku - Gia Lai. Đây cũng là cảm nhận chung của khách thập phương khi có dịp đặt chân đến vùng đất cao nguyên này và nhâm nhi một tách cà phê Thu Hà chính hiệu.

Thành công của thương hiệu Cà phê Thu Hà là một điển hình cho ý thức trọng nông kết thương của người dân nơi đây. Cà phê Thu Hà ấn tượng không chỉ ở chất lượng mà còn ở phong cách và cả con đường chủ nhân của nó chọn. Một thương hiệu nông sản đã từng phải lận đận với đời sống cơm áo của chủ nhân của nó nhưng vẫn luôn chung thủy với một phong cách riêng.

       

Đổi nghề giáo lấy... nghề nông

“Nhất sĩ, nhì nông”, câu nói này đã từng nguyên nghĩa qua nhiều thời kỳ, càng đúng hơn ở cái thời anh giáo trẻ Ngô Tấn Giác đặt chân đến Gia Lai.

Vốn là dân sư phạm, từng một thời đứng trên bục giảng, vậy mà số phận đưa đẩy để rồi có một anh Giác nông dân chính hiệu. Đổi nghề giáo lấy nghề nông, có vẻ lạ, ấy vậy mà để được làm nông dân anh Giác đã phải trải qua không ít gian truân.

Ngô Tấn Giác sinh ra tại Mũi Né (Phan Thiết). Năm 1981, anh đến Pleiku lấy vợ và định cư tại đây. Cuộc sống nơi đất mới còn nhiều khó khăn, anh không có điều kiện để tiếp tục theo đuổi nghề giáo, có lúc hai vợ chồng đã phải đi vay tiền để mua than ra chợ bán. Những lúc ưu phiền, ly cà phê làm bạn và đó cũng là cái duyên để anh gắn bó với nó cả đời. Với 3 sào đất cùng một góc Thu Hà nho nhỏ trên phố, vợ chồng Ngô Tấn Giác quyết tâm xây dựng cơ nghiệp. Cây cà phê trở thành đầu mối của quyết tâm.

Khác với nhiều người dân ở đây, anh Giác trồng cà phê chỉ để phục vụ cho mình. Một quy trình trồng - chế biến - bán lẻ qua từng ly cà phê được xác định. “Mình phải học trồng để hiểu được đời sống của cây cà phê, học chế biến để biết và quan trọng hơn là để chủ động được trước hương vị của nó. Tôi muốn tự mình bao toàn bộ quy trình đó để đạt được một chất lượng đúng như mình mong muốn”, anh Giác nói.

Quy trình khép kín này cũng giúp anh chủ động được đầu ra của sản phẩm. Vì thế mà những năm cuối thập kỷ 80, cà phê rớt giá mạnh, nhiều người phải bỏ cây cà phê nhưng gia đình Ngô Tấn Giác thì chẳng mấy thiệt hại nhờ quy trình khép kín đó. Anh có thể sống và kinh doanh an toàn với cách của mình. Vấn đề còn lại là phải đảm bảo được một nguồn nguyên liệu chất lượng và xây dựng quán Thu Hà trở thành một điểm đến ấn tượng.

Nguyên liệu là vấn đề sống còn. Yêu cầu này biến Ngô Tấn Giác trở thành một anh nông dân thực thụ. Tìm hiểu và áp dụng khoa học kỹ thuật, trăn trở với những thay đổi bất thường của thời tiết..., Ngô Tấn Giác dần trở thành một nông dân giỏi. Đến năm 1995, anh đã có trong tay 15 ha vườn, trong đó có 11 ha là vùng nguyên liệu cà phê. Đáng chú ý hơn, cũng trong năm đó, anh được cả nước biết đến khi trở thành anh nông dân triệu phú, đại diện cho tỉnh Gia Lai tham dự Hội nghị nông dân sản xuất giỏi toàn quốc. Nghĩ lại, đổi nghề giáo lấy nghề nông, với anh không có gì lạ.

Thương hiệu của phố núi

Cà phê Thu Hà, số 9 Nguyễn Thái Học, Pleiku - Gia Lai. Địa chỉ này hẳn đã có trong sổ tay của nhiều người, như là món quà nhỏ để mách với ai đó có dịp đến đây. Cái tên Thu Hà chuyền tay nhau như thế. Có người gọi đó là “thương hiệu của phố phường” như Cà phê Tùng ở Đà Lạt, Cà phê Nhân, Cà phê Lâm ở Hà Nội...; thương hiệu do chính người thưởng thức quảng bá.

Khi đã có quy trình khép kín để tự bảo đảm chất lượng, Ngô Tấn Giác bắt đầu nghĩ đến cách kinh doanh. Ban đầu, anh suy nghĩ khá đơn giản: mình cứ tạo ra một sản phẩm chất lượng, hợp gu người thưởng thức ắt tên tuổi của mình sẽ được nhiều người biết đến. Khi đó, khái niệm thương hiệu còn khá mờ nhạt.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, cái tên Thu Hà lan dần khỏi khu phố rồi trở thành thói quen trong đời sống của nhiều người dân Pleiku, sau 15 năm đã vươn ra được nhiều nước trên thế giới. Cách đi của cái tên Thu Hà là không ồn ào, không phô trương, nhưng sâu lắng. Nhưng với sự nổi tiếng hiện nay, so với cái nôi bó hẹp từ một quán cà phê gia đình thủa ban đầu, cách đi đó đã trải qua một quãng đường dài ấn tượng.

Hiện tại, quán điểm Thu Hà của hai mươi năm trước vẫn là một trong những điểm đến nổi tiếng của Gia Lai.

Đến quán, nếu vào tầm 7 - 8 giờ sáng, có thể sẽ không còn chỗ ngồi. Một số khách hàng chậm chân gọi đùa là uống cà phê... đứng. Không gian quán khá tĩnh, có chút gì đó nội tâm. Vì thế mà cái sôi nổi của cánh thanh niên đến đây cũng bị không gian ấy níu xuống. Họ đến để thưởng thức. Hơi lạnh của phố núi, hơi ấm của hương cà phê xen lẫn cảm giác chờ đợi. Phin cà phê nén chặt, phải năm phút sau mới nhỏ xuống giọt đầu tiên. Có người sốt ruột nói đùa uống cà phê Thu Hà như... “cà phê đạo”.

Đến gặp Ngô Tấn Giác, không có gì bất ngờ khi thấy anh đang tự mình lựa lại mẻ hạt trước khi đưa vào chế biến. Cà phê Thu Hà khác với nhiều sản phẩm cùng loại ở chỗ đó. Khi đã là triệu phú, đã có hàng trăm nhân công, có cả một thương hiệu uy tín, ông chủ vẫn cất công ngồi lựa những mẻ nguyên liệu như thế.

Đầu vào sản phẩm chỉ duy nhất từ một nguồn, tự mình trồng và tự mình chế biến. “Cà phê là sản phẩm phục vụ thói quen. Thói quen thì khó thay đổi, hay nói cách khác một thay đổi nhỏ trong thói quen rất dễ bị nhận ra. Vì vậy, nếu để lọt một mẻ nguyên liệu kém chất lượng, khách hàng sẽ nhận ra ngay, từ đó ảnh hưởng đến uy tín của mình”, anh Giác giải thích.

Về sự nổi tiếng, anh Giác cho rằng là do ý thức của mình về chất lượng và do sự khách quan của người tiêu dùng mang lại. ở Gia Lai, anh Giác đã thành công khi tạo nên một thương hiệu quen thuộc. Sau 20 năm, anh Giác cũng đã chứng minh được rằng chất lượng cà phê ở mảnh đất này không hề thua kém các vùng miền khác. Còn với nhiều người dân Gia Lai, Cà phê Thu Hà như là một niềm tự hào khi nói về quê mình. Và cũng không quá khi nói rằng cà phê Thu Hà và cách làm của Ngô Tấn Giác là một điển hình cho ý thức trọng nông kết thương của người dân cao nguyên này.

Những năm gần đây, khi vấn đề thương hiệu bắt đầu được quan tâm và được đầu tư xứng đáng, anh Giác lại có thêm nhiều kinh nghiệm để nâng giá trị thương hiệu Cà phê Thu Hà lên tầm cao hơn. Trong chương trình xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam, Cà phê Thu Hà cũng sẽ là một điển hình có nhiều hứa hẹn.

Hiện tại, anh Giác đang tập trung cho chiến lược phát triển dòng cà phê robusta chế biến xuất khẩu. Theo anh, đây không chỉ là chiến lược riêng của Thu Hà mà là của cả ngành cà phê Việt Nam. “Chúng ta phải đẩy mạnh xuất khẩu đã chế biến để có giá trị gia tăng cao hơn, thay vì chỉ xuất khẩu cà phê nhân như vốn có. Chiến lược này cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Với Gia Lai là một khu công nghiệp có quy mô và công nghệ cao. Theo đó, chắc chắn Cà phê Thu Hà sẽ mở rộng thị trường ra nhiều nước trên thế giới”, anh nói.

Theo vneconomy